27 nhà lãnh đạo EU nhất trí duy trì những hạn chế chặt chẽ đối với hoạt động xã hội và việc đi lại khi khối này khẩn trương chống lại sự xuất hiện của các biến thể mới có thể cản trở đà phục hồi kinh tế.
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 25-2 cho rằng EU phải chuẩn bị kế hoạch tiêm phòng chống các biến thể mới trong những năm tới sau khi các nhà lãnh đạo EU thảo luận về cách tăng tốc hoạt động tiêm chủng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch.
Bà Merkel cảnh báo EU chuẩn bị cho kịch bản tiêm chủng liên tục trong thời gian dài hơn, có thể kéo dài nhiều năm do sự xuất hiện của các biến thể mới. Theo hãng tin Reuters, 51,5 triệu liều vắc-xin cho đến nay đã được chuyển đến EU, với khoảng 5% công dân được tiêm liều đầu tiên.
Ở Trung Quốc, chiến dịch tiêm phòng đại trà cũng đã được triển khai tại các quận thủ đô Bắc Kinh trong những ngày gần đây. Thủ đô Bắc Kinh, nơi có hơn 21 triệu dân, đã hoàn thành chiến dịch tiêm phòng cho 3,63 triệu người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên hôm 21-2. Chính quyền thủ đô cho biết chiến dịch tiêm chủng cho người dân sẽ mở rộng trong những tuần tới.
Tại Hàn Quốc, chương trình tiêm phòng vắc-xin của hãng AstraZeneca (Anh) đã bắt đầu từ ngày 26-2. Cùng ngày, chuyến bay chở vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ) cũng đã đến Hàn Quốc. Theo các cơ quan y tế, số vắc-xin đủ dùng cho 58.500 người sẽ được vận chuyển trực tiếp đến 5 trung tâm tiêm chủng lớn trên cả nước.
Theo kênh KBS World, chiến dịch tiêm phòng vắc-xin của Pfizer sẽ bắt đầu trong ngày 27-2 tại trung tâm tiêm phòng trung ương của Trung tâm Y tế quốc gia ở Seoul. 300 nhân viên y tế ở Seoul, gồm khoảng 200 nhân viên tại Trung tâm Y tế quốc gia, là những người đầu tiên được tiêm vắc-xin của Pfizer.
Các nhà chức trách Hàn Quốc có kế hoạch tiêm chủng cho 70% trong tổng số 52 triệu dân vào tháng 11 tới, với mục tiêu đưa nước này trở lại cuộc sống bình thường vào cuối năm nay. Hàn Quốc cũng vẫn sẽ gia hạn các quy định về giãn cách xã hội thêm 2 tuần, bao gồm lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên.
Trong nỗ lực chạy đua vắc-xin, khả năng sản xuất vắc-xin quy mô lớn của Ấn Độ đang giúp nước này vượt mặt Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng chính trị ở các nước đang phát triển. Đến nay, New Delhi đã chuyển gần 6,8 triệu liều vắc-xin miễn phí trên khắp thế giới. Trung Quốc cam kết con số này vào khoảng 3,9 triệu, theo hãng Bloomberg.
Bắc Kinh và New Delhi từ lâu đã tranh giành ảnh hưởng ở châu Á và căng thẳng giữa hai bên gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ, đặc biệt là Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã đưa quốc gia Nam Á này trở thành nhà cung cấp chính các loại thuốc thiết yếu cho các nước đang phát triển, giúp New Delhi đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về vấn đề sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho rằng: “Trung Quốc đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong chính sách ngoại giao vắc-xin của mình”.
Theo Người Lao Động